Kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5): Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu
“Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” (Museums for Education and Research) là chủ đề được Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) lựa chọn nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2024. Đây cũng là dịp để Bảo tàng Lâm Đồng và các bảo tàng trên cả nước cùng nhau nhìn nhận và đề cao hơn nữa vai trò then chốt của bảo tàng trong việc cung cấp trải nghiệm giáo dục toàn diện.
Áp phích (Poster) kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 2024
Đã thành thông lệ, kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng hàng năm (18/5), ICOM sẽ lựa chọn một số Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc để làm chủ đề và hướng tới hỗ trợ. Năm nay, ICOM tập trung hoạt động vào các mục tiêu:
- Mục tiêu 4: Giáo dục chất lượng - Đảm bảo tính công bằng và bao hàm trong giáo dục chất lượng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người;
- Mục tiêu 9: Công nghiệp, đổi mới và hạ tầng - Xây dựng hạ tầng chống chọi, thúc đẩy công nghiệp bền vững và khuyến khích đổi mới.
Có thể nói khi nhắc đến bảo tàng, công chúng thường biết đến một thiết chế văn hóa vốn từ khi hình thành đã mang trong mình vai trò của một cơ quan nghiên cứu khoa học lớn. Bên cạnh việc sưu tầm, trưng bày và phát huy giá trị của hiện vật, thiết chế văn hóa đặc biệt này đáp ứng kịp thời kiến thức trên nhiều phương diện, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Đây là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng mà mọi bảo tàng xem là tôn chỉ để hoạt động và hướng đến.
Ngày nay, bảo tàng vẫn luôn giữ vững và phát huy tối đa vai trò của mình, là địa chỉ mà công chúng khám phá tri thức, tìm thấy những điều mới mẻ về giá trị nhiều mặt của hiện vật, về sự hình thành các nền văn hóa, về quá khứ lịch sử hào hùng. Khi đặt chân vào các bảo tàng, ta dễ dàng nhận thấy sự giao thoa giữa giáo dục và nghiên cứu, giữa sự tìm tòi, chủ động học hỏi và những “trang bách khoa toàn thư” về nghệ thuật, lịch sử, đến khoa học và công nghệ…
Dựa vào chủ đề ICOM đưa ra, cũng như khuyến khích cộng đồng nhìn nhận về giáo dục hướng tới tương lai, cùng chia sẻ kiến thức để vượt qua mọi rào cản, Bảo tàng Lâm Đồng đã, đang và sẽ luôn gắn liền với định hướng ấy qua việc tiếp tục triển khai, tăng cường hơn nữa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa và truyền thống tại bảo tàng. Trong những năm gần đây, Bảo tàng Lâm Đồng đã chú trọng nâng cao hoạt động giáo dục, nghiên cứu khi tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các trường học trong và ngoài tỉnh. Các chương trình tham quan không chỉ cung cấp những kiến thức lịch sử, văn hóa, mà còn gắn với chương trình giáo dục, trải nghiệm sinh động, tăng tính tương tác đối với học sinh, sinh viên, như: Chúng em học làm chiến sĩ, Gìn giữ nét văn hóa trong tranh Đông hồ, Phục hồi gốm cổ... Bảo tàng Lâm đồng đã xây dựng các kế hoạch hợp tác, biên bản ghi nhớ, gửi thư ngỏ, giới thiệu nội dung trưng bày, chương trình tham quan đến các trường học để thu hút học sinh, sinh viên đến tìm hiểu và nghiên cứu.
Học sinh trường THCS - THPT Chi Lăng tham gia chương trình giáo dục, trải nghiệm “Gìn giữ nét văn hóa trong tranh Đông Hồ”, tại Bảo tàng Lâm Đồng
Bảo tàng Lâm Đồng đồng thời tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học trong hoạt động chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ, viên chức thông qua các sinh hoạt chuyên đề, viết bài nghiên cứu đăng trên Website Bảo tàng Lâm Đồng, thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng”, phát hành các ấn phẩm giới thiệu về hoạt động của bảo tàng và di tích... Qua đó, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của mình trong công tác giáo dục, truyền tải kiến thức, nâng cao nhận thức của công chúng về di sản văn hóa.
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18-5, cũng để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục và nghiên cứu, Bảo tàng Lâm Đồng hướng tới xây dựng những chương trình giáo dục, trải nghiệm đáp ứng các mục tiêu của từng đối tượng công chúng. Trong thời kỳ số hóa hiện nay, khách tham quan có xu hướng tự chủ động tìm hiểu, nên Bảo tàng Lâm Đồng cũng áp dụng đan xen giữa công nghệ hiện đại và truyền thống, tiếp thu sự tham gia, góp ý của công chúng trong suốt quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động giáo dục, trải nghiệm. Với vai trò của một thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, bên cạnh việc cung cấp kiến thức về lịch sử, văn hóa, Bảo tàng Lâm Đồng cũng sẽ lồng ghép giáo dục nhiều kiến thức bổ ích về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên, tạo ra những chương trình giáo dục toàn diện. Hướng đến bảo tàng không còn là nơi tiếp nhận giáo dục một cách khô cứng, mà sẽ là một thiết chế văn hóa góp phần giáo dục một cách đa dạng, phong phú, tạo ra một xã hội của những người học tập suốt đời.
Thi Thảo
Tin mới
- Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại bảo tàng - 15/06/2024 01:29
- Cuộc gặp mặt đặc biệt tháng Sáu tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - 12/06/2024 14:10
- Triển lãm “Lâm Đồng vươn mình phát triển” - 11/06/2024 14:36
- Bảo tàng Lâm Đồng - Điểm hẹn của những trải nghiệm hấp dẫn trong Tuần lễ vàng Du lịch LâmĐồng năm 2024 - 02/06/2024 10:55
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm, hiệu quả - 19/05/2024 12:44
Các tin khác
- Triển lãm “Lâm Đồng - kỳ vĩ Nam Tây Nguyên” giữa miền đất Điên Biên lịch sử - 22/04/2024 22:47
- Triển lãm “Hoa và Di sản” - 03/04/2024 08:37
- Triển lãm “Lâm Đồng - Sắc màu Nam Tây Nguyên” - 25/12/2023 01:05
- Bế mạc Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý” - 25/10/2023 14:58
- Tổ chức khai quật tại di tích Gia Viễn (Cát Tiên, Lâm Đồng) - 11/10/2023 08:40