Nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền và 6 bức thư tuyệt mệnh
Hòa cùng phong trào đấu tranh cách mạng sục sôi tại các đô thị miền Nam, nửa đầu năm 1966, tại Đà Lạt đã dấy lên một cao trào đấu tranh tạo nên tiếng vang lớn của thanh niên, học sinh, sinh viên và những người dân lao động. Đậc biệt phong trào đấu tranh có sự tham gia tích cực của các tăng ni, tín đồ Phật giáo, với sự kiện tự thiêu của nữ sinh, Phật tử Đặng Thị Ngọc Tuyền, từng gây chấn động dư luận lúc bấy giờ.
Hiện nay, các bức thư tuyệt mệnh trước lúc ra đi của cô Đặng Thị Ngọc Tuyền đang được trân trọng lưu giữ và trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước tại Bảo tàng Lâm Đồng.
Chân dung nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền
Đặng Thị Ngọc Tuyền sinh năm 1947 tại làng Đại Lộc, tỉnh Thừa Thiên, trong gia đình có truyền thống sùng bái Phật giáo. Khi vào Đà Lạt, cô được quy y tam bảo với Thượng tọa Minh Cảnh tại chùa Linh Quang, một ngôi chùa cổ kính tại Đà Lạt và lấy pháp danh là Quảng Xuyên. Ngọc Tuyền là cô gái có tính tình hiền lành, hòa nhã, sống thân thiện với mọi người. Ngoài giờ học, những lúc rảnh rỗi, cô thường hay đến phụ giúp việc chùa, không quản khó nhọc hay từ chối bất cứ công việc nào có thể làm được khi nhà chùa giao phó.
Trong giai đoạn này, cuộc vận động tranh thủ dân chủ và bảo tồn đạo pháp của Phật giáo ngày càng quyết liệt. Thượng tọa Thiện Minh, Chủ tọa lực lượng phật tử Việt Nam bị mưu sát, chùa chiền bị bắn phá, tăng ni và đồng bào Phật tử bị bắt bớ, đánh đập. Viện Hóa đạo bị bao vây, trong đó có hàng ngàn tăng ni, Phật tử bị bệnh và đói khát. Ở Huế, ngày 21-6-1966, Thượng tọa Trí Quang - linh hồn của Phật giáo bị chính quyền bắt đưa vào Sài Gòn. Thượng tọa đã tuyệt thực để phản đối Tổng thống Hoa Kỳ Johnson hậu thuẫn cho chính quyền Sài Gòn gây bao thảm cảnh tại Việt Nam.
Trước tình cảnh đau thương đó, vào 4 giờ sáng ngày 23-6-1966, Đặng Thị Ngọc Tuyền đã tự thiêu để phản đối tổng thống Mỹ Johnson và chính quyền Sài Gòn, phản đối chiến tranh, cầu nguyện cho dân tộc và đạo pháp sớm thoát khỏi họa diệt vong. Trước khi tự thiêu, Đặng Thị Ngọc Tuyền đã để lại 6 bức thư tuyệt mệnh.
Một phần thư tuyện mệnh của Đặng Thị Ngọc Tuyền
Bức thư tuyệt mệnh thứ nhất gửi Thượng tọa Trí Quang, cô nói lên suy nghĩ của mình trước thực trạng đất nước và Phật giáo đang lâm nguy. Bổn phận của một Phật tử không thể khoanh tay đứng nhìn cảnh chết chóc diễn ra tại Đà Lạt, nghe tiếng kêu than thảm thiết vì sự đàn áp tàn ác, dã man của chính quyền Sài gòn, cô đã nguyện xin “đốt mình” để cầu nguyện cho thảm cảnh đó sớm chấm dứt.
Bức thư tuyệt mệnh thứ hai gửi chư tọa, đại đức, tăng ni, Đặng Thị Ngọc Tuyền cho biết không thể ngồi yên trước tình cảnh đất nước và đạo pháp đang lâm nguy. Cô xin phép được âm thầm phát nguyện “đốt mình” để cầu nguyện.
Bức thư tuyệt mệnh thứ ba gửi Tổng thống Hoa Kỳ Johnson. Đây là bức thư của một thiếu nữ Việt Nam gửi lời cảnh cáo đến Tổng thống Mỹ. Cô cho rằng Johnson đã thực hiện chính sách quá sai lầm ở Việt Nam và khuyên ông hãy bỏ mộng thống trị nơi này, đó chỉ là thứ ảo mộng hão huyền mà thôi. Cô khẳng định dòng máu của dân tộc Việt là dòng máu bất khuất không dễ gì bị khất phục, không thể làm nô lệ cho kẻ xâm lược.
Bức thư tuyệt mệnh thứ tư gửi nhân dân Hoa Kỳ, những người yêu chuộng hòa bình, tự do. Đây là bức thư của một thiếu nữ 19 tuổi gửi lời cầu cứu từ đất nước Việt Nam, nơi đã có bao nhiêu người ngã xuống để phản đối. Cô cầu nguyện chấm dứt sự đau khổ và chết chóc mà những kẻ nhân danh thế giới văn minh gây ra. Đặng Thị Ngọc Tuyền kêu gọi những người yêu chuộng hòa bình, tự do hãy cùng nhân dân Việt Nam siết chặt tay, mang mối tình đồng loại để đập tan âm mưu của những kẻ bạo tàn, khát máu.
Bức thư tuyệt mệnh thứ năm gửi hai tướng Thiệu, Kỳ của chính quyền Sài Gòn, nhắc hai ông về dòng máu bất khuất trải qua bốn ngàn năm văn hiến, chưa bao giờ chịu làm nô lệ. Cô nguyện “đốt mình” với mong muốn thức tỉnh và nhắc nhở hai ông rằng không ai sống trên xương máu của đồng bào mà bền vững được.
Bức thư tuyệt mệnh thứ sáu gửi gia đình, Đặng Thị Ngọc Tuyền cho biết trong khi nước nhà và đạo pháp đang lâm nguy, cô không thể đứng nhìn bàng quan. Cô cầu xin mẹ đừng buồn khi thân xác cô ngã xuống, mà hãy tiếp tục sống, tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần tranh đấu thật mãnh liệt cho dân tộc và đạo pháp. Cô nhắn nhủ hai em hãy trở thành những đứa em ngoan, học hành chăm chỉ, nối tiếp con đường của cô đã đi, đấu tranh cho dân tộc và đạo pháp đến hơi thở cuối cùng.
Đau xót trước sự ra đi của Đặng Thị Ngọc Tuyền, nhiều người bạn của cô đã đã viết nên những dòng thơ, những lời tiễn biệt người em gái thân yêu. “Thư gửi người em gái” của tác giả Bảo Quốc, viết tại Nha Trang vào ngày 27/6/1966, sau vụ tự thiêu 3 ngày, thể hiện sự hụt hẫng và xót xa tột cùng:
“Từ phương xa nghe tin em ngã gục
Lòng nghẹn ngào đôi mắt lệ trào dâng
Thân xác em là ngọn đuốc sáng bừng
Sẽ thức tỉnh những lũ người khát máu”
Bài thơ “Khóc Ngọc Tuyền” do chị Thu Uy (nguyên thành viên Ban biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng) sáng tác, đăng trên báo “Lực lượng nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ Đà Lạt” vào năm 1966, đau xót nhớ lại những kí ức khó phai về Ngọc Tuyền:
“Nhớ ngày nào Tuyền đó chị đây
Câu chuyện nước non tâm tình tuổi trẻ
Tuyền kể chị nghe những gì uất hận
Một chiều nào mây buồn giăng kín
Tuyền nghẹn ngào thỏ thẻ:
“Chị à! Nước non mình sao điêu đứng
Dân tộc mình sao khổ quá chị ơi”
Và thực tại đau lòng:
“Rồi hôm nay còn gì Tuyền hỡi!
Nghe tin Tuyền tự thiêu
Chị kinh hoàng khóc thét
Chạy đến tìm Tuyền.Tuyền đâu chẳng thấy
Một ánh lửa hồng, thân Tuyền ngã quỵ”
Sự kiện Đặng Thị Ngọc Tuyền tự thiêu, để lại 6 bức thư tuyệt mệnh trong phong trào đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn tại Đà Lạt là bằng chứng sinh động tố cáo tội ác Mỹ ngụy. Sự kiện lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của đế quốc Mỹ, cũng như hành động bán bước của chế độ ngụy quyền và kêu gọi nhân dân yêu chuộng tự do trên thế giới ủng hộ Việt Nam đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.
Hoàng Hiền
Tin mới
- Đà Lạt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 13/08/2024 14:27
- Tìm hiểu đôi nét về hình ảnh con Nghê, linh vật của người Việt xưa qua hiện vật trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu - 27/06/2024 01:38
- “Báu vật hoàng cung” Triển lãm hiện vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 02/06/2024 11:01
- Những bức thư của Nam Phương Hoàng hậu, một phần của ký ức Đà Lạt - 20/05/2024 11:31
- Tình cảm của quân dân Lâm Đồng đối với Bác Hồ qua các kỷ vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 19/05/2024 12:39
Các tin khác
- Anh hùng liệt sỹ Lê Thị Pha - người cộng sản chân chính - 13/04/2021 13:31
- Bộ sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 28/05/2017 08:38
- Độc đáo sưu tập vật dụng sinh hoạt truyền thống của cư dân bản địa tại Bảo tàng Lâm Đồng - 23/02/2017 07:58
- Bộ sưu tập trang phục của 3 dân tộc bản địa Lâm Đồng - 05/04/2016 03:14
- Sưu tập gốm sứ tại Bảo tàng Lâm Đồng - 22/03/2016 03:24