Độc đáo sưu tập vật dụng sinh hoạt truyền thống của cư dân bản địa tại Bảo tàng Lâm Đồng
Sống giữa vùng rừng núi, địa hình hiểm trở, giao thương gặp nhiều khó khăn, để tồn tại và phát triển, từ lâu đời, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và ở Lâm Đồng nói riêng phải thường xuyên chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và những mối đe dọa từ môi trường sống… Trong quá trình đấu tranh, lao động, họ đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu và không ngừng sáng tạo, phát triển, từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống. Họ đã biết chế tác nhiều công cụ phục vụ sản xuất và đời sống. Hầu hết các vật dụng sinh hoạt truyền thống được làm từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, gần khu vực cư trú, như gỗ, tre, nứa, mây, lồ ô, cây sim rừng, cây cóc rừng… Mỗi vật dụng truyền thống thể hiện sự sáng tạo, đúc kết kinh nghiệm của đồng bào trong sinh hoạt, trong quá trình lao động sản xuất.
Dưới đây xin giới thiệu một số vật dụng sinh hoạt truyền thống độc đáo của các cư dân bản địa được sưu tầm và trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng:
1. Gùi
Gùi là sản phẩm rất phổ biến và tiêu biểu trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Gùi được đan bằng lồ ô, dây mây, cây cóc rừng, cây sim rừng. Tuỳ theo mục đích sử dụng, họ đan những chiếc gùi với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Gùi dày để đựng lúa khi thu hoạch, gùi thưa dùng để gùi cũi, gùi có đế cao phù hợp với làm lúa nước, khi để gùi xuống ruộng sẽ không bị ướt.
Gùi có nắp là loại gùi nhỏ, được đan rất tỉ mỉ. Phần nắp đan rất công phu, gồm một núm cầm ở giữa, xung quanh là những đường đan tròn đồng tâm chắc chắn. Phần thân gùi được tạo bởi các hoa văn sinh động có gắn các sợi len với nhiều màu sắc sặc sỡ. Gùi có nắp có hai quai để đeo ở sau lưng như các loại gùi thông thường khác. Ngoài công dụng như gùi thường, họ còn sử dụng gùi có nắp khi đi chợ hoặc dựng đồ sính lễ trong đám cưới hỏi.
Gùi nhỏ thường được đan tỉ mỷ nhất trong các loại gùi với các hoa văn trang trí rất cầu kỳ. Loại gùi này được đan bằng loại nan đều, mịn và khá chắc chắn. Xung quanh miệng gùi và dọc theo dây đai có trang trí những cụm hoa đen, đỏ bằng sợi ùi hoặc sợi len. Gùi vừa thường được sử dụng để đựng các hàng hóa trao đổi, mỗi khi ra chợ. Gùi nhỏ thường được sử dụng khi đi chơi.
2. Xà gạt
Đây cũng là vật dụng sinh hoạt rất phổ biến, gần gũi, gắn bó trong đời sống hàng ngày của các dân tộc bản địa. Xà gạt giúp họ phát cây rừng mở lối đi, giúp họ chống lại thú dữ, là vũ khí đánh đuổi kẻ thù bảo vệ buôn làng, cộng đồng… Trong những ngày lễ, người đàn ông thường mang theo vũ khí, hoặc là một cây lao hoặc một cái xà gạt nghi lễ lưỡi cong, để thể hiện sức mạnh và cũng là biểu dương tinh thần khí phách của dân tộc mình. Đặc biệt, xà gạt nghi lễ là một trong những vật dụng quan trọng, chỉ sử dụng trong nghi lễ, sau đó được đặt lên bàn thờ, tuyệt đối không được dùng vào việc khác.
Xà gạt còn được dùng như một đơn vị ước lượng chiều dài quãng đường. Xưa kia, khi đi rẫy hoặc săn bắn, do phải băng qua những cánh rừng, khi đó họ thường vắt xà gạt lên vai, mỗi lần mỏi họ chuyển qua vai bên kia, và mỗi lần chuyển xà gạt từ vai này sang vai kia, gọi là một “cây xà gạt”. Một “cây xà gạt” tương đương thời gian khoảng từ 2 đến 3 giờ đi bộ.
3. Chụp mối
Dụng cụ này dùng để bắt mối làm thức ăn. Đây là một trong những sản phẩm đan lát tiêu biểu từ tre nứa, dây mây, có dạng hình phễu với nhiều kích cỡ khác nhau. Điểm khác biệt của chụp mối với những dụng cụ đánh bắt khác là nó được đan 2 lớp tương đối giống nhau rất dày và chắc chắn. Thân của chụp mối được kết lại từ nhiều thanh tre nhỏ và dài; phần miệng lớn được làm bằng những sợi mây dài, vót mỏng; phần miệng nhỏ để trút mối ra thì dùng cỏ hay rơm rạ bịt kín lại khi bắt mối.
Vào đầu mùa mưa, họ thường vào rừng bắt mối. Để bắt mối dễ dàng, họ dùng khói thổi vào các cửa của ụ mối, sau đó dùng chụp mối chụp trên những cửa của gò mối. Khi mối bị say khói sẽ bò lên chui vào cái chụp mối và bị mắc kẹt lại trong đó. Khoảng 30 phút sau, họ nhắc chụp mối lên và lắc đều làm cho cánh mối rụng hết rồi đổ vào giỏ mang về. Mối được ủ chua trong những ống tre, nứa để thay cho mỡ và dầu ăn hoặc rang ăn với cơm, cháo chua.
4. Quả bầu khô
Cũng như một số các dân tộc khác, ngoài dùng làm thực phẩm hàng ngày, quả bầu còn làm đồ đựng rất phổ biến của các dân tộc nơi đây.
Họ thường chọn những quả bầu có hình dạng ưng ý, để cho thật già mới hái về. Sau đó, cắt bỏ cuống, lấy hết phần ruột ra rồi ngâm vỏ quả bầu xuống suối khoảng một đến hai tuần mới vớt lên treo giàn bếp cho khô. Dần dà quả bầu sẽ khô cứng lại và không thấm nước. Khi nào cần dùng họ đem ra rửa lại cho hết mùi hôi là dùng được.
Quả bầu khô dùng để đựng nước, đựng hạt giống, đựng cháo chua, thức ăn… Họ còn dùng trái bầu để đo lường các loại sản phẩm nông nghiệp hoặc rượu, nước. Họ chọn quả bầu có kích thước vừa đủ để làm đơn vị đo lường, thông thường mỗi quả bầu được chọn tương đương với một lít nước.
5. Cối và chày
Đây là những vật dụng sinh hoạt hàng ngày rất thân thiết. Cối thường được làm bằng gỗ căm se, cẩm lai,… Để làm cối, họ chọn nguyên một khúc cây dài, đường kính khoảng 40cm, sau đó dùng dao gọt nhẵn phía bên ngoài rồi tỉ mỉ đục lòng cối dần rộng ra, sâu và khoanh tròn. Tiếp theo là dùng đá nhám mài lòng cối cho nhẵn.
Cối của đồng bào dân tộc thiểu số khác với cối của người Kinh là thắt eo ở giữa, tạo dáng đẹp hơn, tại phần thắt eo thường khắc chạm hoa văn hình răng cưa. Cối có dạng thấp, miệng khá rộng, lòng cối sâu hình trụ, vành miệng loe rộng để những vật cần giã không bị tung toé ra ngoài.
Chày thường làm bằng loại gỗ cứng, được chế tác khá đơn giản, thắt eo ở giữa. Chày có kích thước khác nhau, độ dài thường dao động từ 2 đến 3 mét.
Cối và chày có nhiều kích cỡ lớn nhỏ và công dụng khác nhau. Những chiếc cối có kích thước lớn, được dùng để giã gạo. Những chiếc cối nhỏ dùng để giã bắp làm bánh, giã lá bép hay giã các loại thực phẩm khác.
Vật dụng sinh hoạt truyền thống đóng vai trò quan trọng và gắn bó mật thiết trong đời sống của các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Vật dụng truyền thống có mặt khắp trong nhà, quanh làng, trên rẫy. Nó là sản phẩm kết tinh trong quá trình lao động, sáng tạo của họ. Qua đó cho thấy đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên thật phong phú và đa dạng.
Ngày nay, cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hoá - xã hội, điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần của đồng bào cũng thay đổi theo. Vật dụng truyền thống cũng dần được thay thế bằng nhiều loại chất liệu hiện đại. Những vật dụng thủ công bằng mây tre nứa được thay bằng các loại đồ nhựa, như rổ, rá, bàn ghế… với lợi thế cạnh tranh về kiểu dáng, mẫu mã, giá cả và đặc biệt là giá trị sử dụng. Chính vì vậy, “hàng hóa” bản địa đang dần bị lấn át mạnh mẽ, các vật dụng truyền thống dần mất đi là một xu hướng tất yếu. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các vật dụng sinh hoạt truyền thống là vấn đề rất cấp thiết, để các yếu tố văn hóa trong nó không mất đi mà có sự tiếp biến cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
Lenny
Tin mới
- Những bức thư của Nam Phương Hoàng hậu, một phần của ký ức Đà Lạt - 20/05/2024 11:31
- Tình cảm của quân dân Lâm Đồng đối với Bác Hồ qua các kỷ vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 19/05/2024 12:39
- Nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền và 6 bức thư tuyệt mệnh - 13/04/2021 13:45
- Anh hùng liệt sỹ Lê Thị Pha - người cộng sản chân chính - 13/04/2021 13:31
- Bộ sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 28/05/2017 08:38