Bài viết
Những đánh giá của du khách khi tham quan Di tích khảo cổ Cát Tiên
Di tích khảo cổ Cát Tiên thuộc thôn 1 xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, cách quốc lộ 20 (tuyến đường từ Đà Lạt đi Thành phố Hồ Chí Minh) đoạn ngã ba Madaguoi khoảng 33km. Đây là quần thể kiến trúc được phát hiện vào những năm cuối thế kỷ XX. Trải qua nhiều cuộc khai quật, diện mạo của di tích ngày càng hiện lên rõ nét. Tuy nhiên, những bí ẩn về miền đất này vẫn kích thích sự tò mò rất nhiều nhà nghiên cứu và những du khách yêu du lịch khám phá.
Sau hơn ba mươi năm phát hiện, khai quật và nghiên cứu, những phế tích kiến trúc của di tích Cát Tiên đã được gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo dường như đang được “hồi sinh”. Việc cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, cảnh quan môi trường ngày càng hoàn thiện, khuôn viên di tích khang trang, thoáng đãng và sạch đẹp hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của khách tham quan. Du khách khi đến với di tích tỏ ra khá hào hứng, bởi không chỉ được vui chơi, tham quan, thư giãn trong không gian thoáng đãng, trong lành mà còn được tiếp cận và có cơ hội hiểu biết thêm nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa vùng đất này.
Đại biểu Đoàn Thanh niên 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng tham quan Di tích khảo cổ Cát Tiên
Mỗi du khách khi đến với di tích sẽ có những cảm nhận khác nhau, anh Nguyễn Minh Ánh (Bình Phước) nhận xét: “Tham quan, tìm hiểu di tích khảo cổ Cát Tiên, tôi hiểu ra vùng đất này có dấu ấn của một vương triều nào đó, họ có nền văn minh của riêng họ, sinh sống, sinh hoạt trên vùng đất khá màu mỡ, được thiên nhiên ban tặng...”.
Du khách Phạm Hải Nam (Cát Tiên - Lâm Đồng) nhận xét: “Một cảm giác choáng ngợp khi tham quan thánh địa Cát Tiên. Nhìn những di tích, hiện vật còn sót lại, chúng ta có thể nhận ra một vương quốc hùng mạnh, cư dân đông đúc, kinh tế phát triển dọc bờ sông Đồng Nai. Trân trọng cảm ơn các nhà khảo cổ, nhà quản lý, người dân đã đóng góp công sức để khai quật và làm sáng tỏ di tích này, cung cấp kiến thức cho chúng ta hiểu biết thêm về một nền văn minh rực rỡ bên bờ sông Đồng Nai”.
Anh Tân Thái (Đà Lạt - Lâm Đồng) thì nhận định: “Lần đầu tiên đến với khu trưng bày, cảm thấy rất tự hào về vùng đất Cát Tiên này. Quá khứ đã hiện về qua những hình ảnh và hiện vật được lưu giữ tại đây. Xin được cảm ơn các nhân viên và ban lãnh đạo Bảo tàng Lâm Đồng đã cố gắng tái hiện lại những gì trong quá khứ để thế hệ sau có thể cảm nhận được những tinh túy của thế hệ trước đã cố gắng tạo dựng”.
Anh Võ Văn Như (Thành phố Hồ Chí Minh) lại có cảm nhận khác: “Chúng tôi tham quan Di tích khảo cổ Cát Tiên, hiểu biết về dấu ấn của cha ông ta hàng ngàn năm về trước. Ở đây, các cô chú hướng dẫn viên vui vẻ, nhanh nhẹn, nhiệt tình mến khách, hướng dẫn rõ ràng từng chi tiết, hiện vật qua từng thời kỳ. Thật ấn tượng, xin cảm ơn!”.
Không chỉ khách trong nước mà cả du khách nước ngoài đến với Di tích khảo cổ Cát Tiên cũng tỏ ra khá hứng thú. Bà Masako Mariu Sophia (Tokyo - Nhật Bản) đã viết: “Cattien site is very important cultural to understand on ancient natural of Asia. Thank you for giving good information at the hall” (tạm dịch: Di tích Cát Tiên là một di tích văn hóa rất quan trọng giúp tôi hiểu rõ hơn về nền văn hóa cổ của Châu Á. Cảm ơn bạn đã cung cấp những thông tin hữu ích).
Đa phần khách đến với di tích Cát Tiên đều có chung nhận định: Đây là một trung tâm tôn giáo lớn với nhiều loại hình kiến trúc đồ sộ. Hiện vật phong phú về loại hình cũng như đa dạng về chất liệu. Nhiều du khách tỏ ra tiếc nuối vì những kiến trúc ở đây không còn nguyên vẹn, những đền đài từng sừng sững giờ chỉ còn là phế tích. Tuy nhiên, việc Nhà trưng bày Di tích khảo cổ Cát Tiên hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đáp ứng phần nào nhu cầu, mong mỏi của khách tham quan khi đến đây. Các hiện vật khai quật có cơ hội được trưng bày, giới thiệu đến với du khách, hỗ trợ rất nhiều cho hiện trường di tích, khắc phục được tình trạng “xác một nơi hồn một nẻo”, hoặc “giới thiệu chay” trước đây.
Ngoài ý kiến nhận xét tích cực ghi nhận sự cố gắng của những người trực tiếp quản lý, còn có những ý kiến đóng góp mang tính chất xây dựng, như: Nên bổ sung những hiện vật đặc sắc (có thể thực hiện bằng cách luân chuyển hiện vật); quá trình chỉnh lý trưng bày, có thể bổ sung hiện vật mới khai quật được, vừa tạo sự mới mẻ, đồng thời cũng kích thích sự tò mò khám phá của du khách…
Du khách tham quan Nhà trưng bày Di tích khảo cổ Cát Tiên
Với xu hướng phát triển của thời đại, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự tăng trưởng về đời sống vật chất con người, nhu cầu tìm hiểu văn hóa, tìm hiểu thông điệp của quá khứ thông qua hệ thống di tích và hoạt động du lịch ngày càng được nâng cao và đi vào chiều sâu. Đòi hỏi của khách ngày càng cao thì việc không ngừng tự đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ mới có thể giữ chân du khách đến với di tích. Trước hết, việc nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ trong đội ngũ cán bộ làm công tác thuyết minh, đón tiếp khách đã được đặt ra. Bởi lực lượng này là những người làm “cầu nối” truyền tải những kiến thức về di tích đến với du khách. Để làm được điều đó, những cán bộ thuyết minh phải thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện phương pháp truyền đạt thông tin đến du khách ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu nhất. Thường xuyên đổi mới hệ thống trưng bày, để kích thích sự tò mò khám phá của du khách. Việc ứng dụng công nghệ quét mã QR (Quick response, tạm dịch: Mã phản hồi nhanh) trong trưng bày cũng hỗ trợ rất lớn cho khách tham quan muốn tham quan tự do.Thời gian gần đây, hình thức “du lịch tâm linh” cũng đã và đang thu hút một bộ phận không nhỏ khách đến với di tích.
Không ngừng đổi mới cả nội dung và hình thức, Di tích khảo cổ Cát Tiên chắc chắn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Nơi đây sẽ “níu chân du khách” bởi những ấn tượng tốt đẹp, để họ mong muốn trở lại không chỉ một lần.
Đinh Chung
Tin mới
- Vài nét về rắn thần Nagar trong văn hóa Ấn Độ và tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 08/11/2023 07:58
- Vài nét về tượng bò thần Nandi phát hiện tại Gò số 4 Di tích quốc gia đặt biệt Khảo cổ Cát Tiên - 07/09/2023 08:07
- Tượng Ganesa tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 30/09/2022 07:20
- Di tích khảo cổ Cát Tiên – Dấu ấn của Ấn Độ giáo trên vùng cao Nam Tây nguyên - 14/07/2022 01:06
- Giới thiệu Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên: THÁNH ĐỊA CÁT TIÊN - ĐIỂM ĐẾN ẤN TƯỢNG, HẤP DẪN - 13/06/2022 07:10
Các tin khác
- Mối liên hệ giữa hình tượng hoa sen trong văn hóa Ấn Độ giáo đến hình tượng hoa sen được sử dụng tại Thánh địa Cát Tiên - 14/07/2021 02:43
- LƯỢC VỀ THẦN TÍCH HINDU GIÁO VÀ MỐI LIÊN HỆ VỚI CÁC HÌNH TRANG TRÍ TÌM ĐƯỢC Ở CÁT TIÊN - 27/05/2019 02:59
- Di tích khảo cổ Cát Tiên: Một số giải pháp bảo tồn, tôn tạo tại di tích - 22/05/2019 08:37
- “Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Di tích khảo cổ học Cát Tiên – Lâm Đồng” - 20/05/2019 06:56
- Giá trị văn hóa của Di tích Cát Tiên - 20/05/2019 06:48