Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Bài viết

Nữ chiến sỹ biệt động anh hùng - Phan Thị Ngọc Tươi

Chị Phan Thị Ngọc Tươi sinh năm 1956 tại xã Sơn Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Sinh ra trong gia đình cách mạng có truyền thống yêu nước; khi mới 13 tuổi, chị đã gia nhập lực lượng Trinh sát vũ trang an ninh Bến Tre và thường xuyên được chi viện cho các đơn vị Mỹ Tho và Sài Gòn. Trong thời gian này, chị được huấn luyện cấp tốc các kỹ năng tác chiến, sử dụng vũ khí, kỹ thuật hoá trang…

Nu chien si biet dong Phan Thi ngoc tuoi 1

Trong quá trình hoạt động cách mạng, chị đã tham gia rất nhiều trận đánh và lập nhiều chiến công vang dội. Tiêu biểu là trận dùng mìn hẹn giờ tiêu diệt tên đại úy ác ôn gây nhiều nợ máu với nhân dân ngay tại Sài Gòn vào ngày 5/5/1969; đặc biệt là trận đánh tiêu diệt Trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa giữa nội ô thị xã Bến Tre vào ngày 12/6/1972. Trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa thuộc Bộ chỉ huy cảnh sát Ngụy, là cơ quan đầu não của địch và là nơi giam cầm, tra tấn, đánh đạp dã man các đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cách mạng bị chúng bắt giữ nhằm khuất phục tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng.

Sau thời gian điều tra, nghiên cứu, lập bản đồ chi tiết trung tâm và lập trận giả tập luyện nhuần nhuyễn, đêm 12/6/1972, ta chia làm 3 mũi (6 nam, 2 nữ), đột nhập mục tiêu. Chị Phan Thị Ngọc Tươi vừa là tổng chỉ huy vừa trực tiếp chỉ huy một mũi. Đúng 20 giờ, tiếng pháo lệnh vang lên, hàng loạt tiếng nổ của bộc phá, thủ pháo, lựu đạn vang rền, cả Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa chìm trong biển lửa, khói bụi mịt mù. Chỉ trong vài phút, nhiệm vụ đánh Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa hoàn thành, ta chưa kịp rút, giặc đã bủa vây tứ phía, chúng huy động mọi lực lượng, phương tiện để chặn bắt. Để tránh tổn thất đến mức thấp nhất, theo kế hoạch phải có một mũi ở lại thu hút địch về phía mình, đánh lạc hướng địch cho đồng đội rút lui. Trong khoảnh khắc “ngàn cân treo sợi tóc”, chị quyết định ở lại ngăn chặn địch với quả lựu đạn trong tay, nhưng nó không nổ, chị bị bắt đưa về Bộ chỉ huy Cảnh sát. Suốt đêm ấy, chúng thay nhau dùng mọi thủ đoạn, hết nhục hình tra tấn đến dụ dỗ nhưng chúng không thể lung lạc được tinh thần và ý chí của chị. Một thời gian, địch chuyển giam chị tại Khám Lá, Bến Tre, suốt ngày thâu đêm, địch tra tấn và nhiều lần mang chị ra trước công chúng để răn đe, thị uy hòng làm nhục ý chí đấu tranh của chị nhưng đều thất bại.

Đến tháng 9 năm 1972, địch đưa chị cùng với 25 đồng đội (thuộc đơn vị T30 - Đội trinh sát vũ trang mật thuộc Ban an ninh - tỉnh Bến Tre) bị giam tại Khám Lá, Bến Tre lên giam cầm tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Tại đây, điều kiện vô cùng cực khổ, thiếu thốn, thường xuyên chịu đói rét và bị địch đánh đập, hành hạ, chị Phan Thị Ngọc Tươi đã cùng nhiều tù nhân thiếu nhi yêu nước đoàn kết, giúp đỡ nhau, chia sẻ những khó khăn, từng bước tổ chức các phong trào đấu tranh ngay tại nhà lao. Kinh nghiệm đấu tranh của tù nhân thiếu nhi có sự tiếp thu từ kinh nghiệm đấu tranh của các tù nhân chính trị đi trước, nên phong trào đấu tranh tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt diễn ra ngày càng mạnh mẽ, có tổ chức, có kế hoạch, nhiều sự kiện đấu tranh đã tạo nên những dấu ấn sâu đậm.

Nu chien si biet dong Phan Thi ngoc tuoi 2Hình ảnh Phan Thị Ngọc Tươi (người mặc áo đen) sau song sắt phòng giam nữ - Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Trước sự lên án mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế, cùng tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất đầy mưu trí của tù nhân thiếu nhi yêu nước nên Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt bị xóa sổ vào giữa năm 1973. Chị là trẻ vị thành niên nên buộc địch phải thả tự do, chị trở về tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Với thương tích đầy mình, đặc biệt là các chứng nội thương do bị địch tra tấn tàn bạo, đơn vị điều chị về nội thành Bến Tre để có điều kiện trị bệnh và tạo thế hợp pháp lâu dài để tiếp tục họat động cách mạng. Không lâu sau chuyển về quê tại xã Sơn Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre hoạt động, mặc dù bệnh nằm liệt giường nhưng chị luôn bị bọn mật thám đeo bám 24/24 giờ. Chị chủ động liên lạc, được đơn vị cho phép và chị đã mưu trí thoát khỏi vòng vây địch, ra vùng giải phóng vừa đấu tranh chống lại bệnh tật, vừa công tác tại Quân y dã chiến - Ty an ninh Bến Tre cho đến ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.

Đến với cách mạng từ một gia đình truyền thống như một lẽ tự nhiên, từ lòng căm thù giặc đã đưa một chiến sỹ nhỏ tuổi đến chủ nghĩa yêu nước. Từ yêu nước đã tạo động lực cho chị không ngại hy sinh gian khổ, mưu trí, dũng cảm xả thân chiến đấu cống hiến quảng đời đẹp nhất của mình bằng những chiến công oanh liệt, góp phần giải phóng quê hương, đất nước. Đặc biệt là thành tích được lập trong thời gian tuổi đời chỉ mới 13-16 tuổi, chiến công của chị là kết tinh tất cả những phẩm chất anh hùng cách mạng có được của một thiếu niên Việt Nam anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng động viên đồng dội xả thân chiến đấu trong thời chiến, đoàn kết, thân ái, chia sẻ trong thời bình. Nữ chiến sỹ biệt động anh hùng Phan Thị Ngọc Tươi là một tấm gương sáng, có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng đối với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.

Trước khi nghỉ hưu, chị là Phó ban hành chính - Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Chị vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân Dân, năm 2010.

Nu chien si biet dong Phan Thi ngoc tuoi 3Các cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Đơn vị T30 - Đội trinh sát vũ trang mật thuộc Ban an ninh - tỉnh Bến Tre) về thăm và chụp hình lưu niệm với Lãnh đạo, cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Lê Phi Long