Bài viết
Vài nét về tượng bò thần Nandi phát hiện tại Gò số 4 Di tích quốc gia đặt biệt Khảo cổ Cát Tiên
Tại Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, cho đến đợt khai quật năm 2020, các nhà khảo cổ học mới phát hiện được tượng bò thần Nandi bằng đá. Trong những đợt khai quật trước đây, hình ảnh thần Nandi chỉ hiện diện ít ỏi trên các lá vàng (tiếu tượng) được bài trí trong các hố thờ…
Tượng Nandi di tích Gò 4, Cát Tiên, thế kỷ VIII – IX. Ảnh: Nguyễn Văn Tiến
Nandi còn được gọi là Nadin (Nandikēśvara), không chỉ là phương tiện (vāhana) của thần Shiva, mà đồng thời còn là thị giả (gana) của Ngài và là vị thần bảo hộ (dvārapāla) của Kailash (Kailāsa), nơi ở của thần Shiva. Sự thần thánh hóa Nadin bắt nguồn từ việc đây là con vật cưỡi của thần Shiva, có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết qua sông, bảo vệ, giữ gìn và dẫn đường cho linh hồn lên thiên đường hòa nhập với đại linh hồn vĩ đại của thế giới cực lạc. Người ta cho rằng, bò thần Nandi ngoài đôi mắt bình thường, còn có con mắt thứ ba ở giữa trán gọi là thiên nhãn, phát ra những phép thuật nhiệm màu và là mối liên kết giữa con người với thần linh. Người ta còn quan niệm Nandi mang lại sự may mắn, bình an và sự giàu có.
Do vậy, hầu như tất cả các ngôi đền thờ thần Shiva đều có những bức tượng đá Nandi đang quỳ, quay mặt về phía ngôi đền chính. Nếu ngôi đền nơi đặt Linga có cửa hướng về phía đông, thì Nandi sẽ nằm ở gần cổng (mandapa), ở vị trí đông nam và quay mặt về hướng tây.
Nandi xuất hiện trong nghệ thuật của các quốc gia cổ đại Đông Nam Á từ khá sớm. Tuy nhiên, có lẽ dưới ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp và sự gần gũi của hình tượng bò, mà các nghệ nhân Đông Nam Á đã tạo tác hình ảnh Nandi một cách khá phóng khoáng, khắc họa chân thực con bò bản địa theo nhiều cách khác nhau.
Tượng thần Nandi được tìm thấy tại hướng đông nam của kiến trúc Gò số 4 Di tích khảo cổ Cát Tiên, ký hiệu 20.CT.G4.H1.L2.Da 243. Hiện vật Nandi trong tư thế nằm phục, đầu hơi cúi xuống, toàn thân dài 34,5cm, cao 16,5cm, ngang thân 11cm, bị vỡ một phần nhỏ ở tai và sừng. Một cặp sừng nhỏ nhô lên giữa đôi tai hình oval nổi rõ, mắt hình lá có hai mí, mũi, miệng, đều được tạo tác bằng các nét khắc chìm. Phần trán hơi gờ nổi nhẹ, nhưng không tạo rõ hình dạng con mắt thứ ba. Cái u nhô cao, biểu tượng của đỉnh Kailāsa được làm nổi rõ trên tấm lưng phẳng. Cái đuôi nhỏ ngoắc sang một bên mông. Hai chân trước co khuỵu. Hai chân sau gập, đưa về phía trước. Phần móng có thể thấy rõ ràng trên bốn chân.
Bò Nandi trên hiện vật vàng, phát hiện tại Di tích khảo cổ Cát Tiên, thế kỷ VIII - IX. Ảnh: Nguyễn Đăng Toàn
Nandi xuất hiện trong văn hóa Óc Eo (thế kỷ IV - VI), giai đoạn Phù Nam dưới dạng tượng tròn trên các nhẫn vàng và một số ít tượng đất nung nhỏ. Trong giai đoạn Chân Lạp, tượng tròn Nandi khá hiếm hoi. Ví dụ điển hình là bức tượng Nandi Preah Koh, ký hiệu Ka.1584 của Bảo tàng quốc gia Cambodia, Phnom Penh. Con bò trong tư thế quỳ trên bệ hình chữ nhật dẹt, được tả thực sinh động với nét tròn trịa, tươi tắn. Mắt, mũi và miệng đều nổi rõ với những nét khắc sâu, con mắt thứ ba hiện rõ giữa trán. Một vòng với nhiều chiếc lục lạc đeo quanh cổ bò. Thân bò tròn lẵn với các thớ thịt rõ ràng và u lưng nổi cao. Đuôi, móng đều được khắc họa chi tiết.
Tượng Nandi Preah Koh, thế kỷ VII, Bảo tàng quốc gia Campuchia, ký hiệu Ka.1584. Ảnh: metmuseum.org
Nandi cũng là chủ đề phổ biến trong điêu khắc Champa, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X và muộn hơn, dưới dạng tượng tròn hay phù điêu trên các tấm trán cửa. Hầu hết, chúng khắc họa chân thực con bò bản địa trong tư thế phủ phục với nét hiền lành, dáng tròn trịa, đôi sừng ngắn, bứu cổ mềm mại và cục u nổi cao. Điển hình trong số tượng tròn là các bức Nandi Quảng Điền và Kim Đâu (phong cách cổ Mỹ Sơn E1, thế kỷ VIII - IX), Trà Kiệu, Hạ Nông Trung, Hương Quế… (phong cách Trà Kiệu và Khương Mỹ, thế kỷ X), Thủ Thiện (phong cách Chánh Lộ thế kỷ XI)…
Trong so sánh, bức tượng Nandi của Cát Tiên về tổng thể, có tư thế khá giống với các bức tượng tròn của Champa và Chân Lạp. Kích thước tượng nhỏ và tạo hình có phần hơi thô của tượng Nandi Cát Tiên có vẻ gần với các bức Nandi của Quảng Điền và Kim Đâu, phong cách sớm thế kỷ VIII - IX. Các đặc điểm nổi bậc của phong cách này là kích thước tượng nhỏ, thần được thể hiện trong tư thế nằm thảnh thơi chân gập, đầu hơi cuối xuống, một số bộ phân cơ thể như đuôi, chân guốc và bộ phận sinh dục thể hiện rất hiện thực, chi tiết và sống động.
Nandi Quảng Điền và Kim Đâu (thế kỷ VIII - IX). Ảnh Yến Thọ, Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị
Do vậy, niên đại của tượng thần Nandi Cát Tiên có thể xếp vào khoảng thế kỷ VIII - IX. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là tạo hình Nandi của Cát Tiên khá cứng và ít tinh tế hơn, nhất là chi tiết quan trọng như con mắt thứ ba không được nhấn mạnh, cũng không đeo vòng lục lạc. Các chi tiết u, ngấn cổ, mắt, tai, sừng, móng, cũng như chuyển động của các bó cơ không quá nhấn mạnh. Đây có thể là một đặc điểm địa phương của các tượng tròn ở di tích khảo cổ Cát Tiên. Các tượng tròn ở Cát Tiên đã phát hiện đến nay, bao gồm ba bức Ganesha (gò 1, gò 2 và gò 8), một bức Durga (gò 8) và một bức Nandi (gò 4), đểu có phong cách gần gũi với các bức tượng Chân Lạp và Champa thế kỷ VII - IX. Tuy nhiên, tạo hình của chúng đều đơn giản và ít tinh tế (tượng không được mài nhẵn). Chất liệu các bức điêu khắc cũng không được lựa chọn kỹ càng và có vẻ chúng được tạo bởi một nhóm thợ địa phương theo phong cách giản dị.
Nguyễn Văn Tiến - Đặng Ngọc Kính
Tin mới
- Những hóa thân của thần Vishnu trong Hindu giáo và liên hệ đến hình ảnh thần Vishnu tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 27/06/2024 01:46
- Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho giới trẻ - 19/05/2024 12:56
- Vái nét về hình ảnh nữ thần Lakshmi tại di tích khảo cổ Cát Tiên - 26/02/2024 03:08
- Vài nét về thần Surya tại Di tích khảo cổ Cát Tiên - 13/11/2023 01:39
- Vài nét về rắn thần Nagar trong văn hóa Ấn Độ và tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 08/11/2023 07:58
Các tin khác
- Tượng Ganesa tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 30/09/2022 07:20
- Di tích khảo cổ Cát Tiên – Dấu ấn của Ấn Độ giáo trên vùng cao Nam Tây nguyên - 14/07/2022 01:06
- Giới thiệu Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên: THÁNH ĐỊA CÁT TIÊN - ĐIỂM ĐẾN ẤN TƯỢNG, HẤP DẪN - 13/06/2022 07:10
- Những đánh giá của du khách khi tham quan Di tích khảo cổ Cát Tiên - 10/08/2021 06:41
- Mối liên hệ giữa hình tượng hoa sen trong văn hóa Ấn Độ giáo đến hình tượng hoa sen được sử dụng tại Thánh địa Cát Tiên - 14/07/2021 02:43