Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Mở cửa đón khách tham quan nhà trưng bày di tích khảo cổ Cát Tiên

Di tích khảo cổ Cát Tiên được phát hiện năm 1985, trải dài khoảng 15km dọc theo sông Đạ Đờn - Đồng Nai, từ địa bàn xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Qua 8 lần tổ chức khai quật khảo cổ học cùng với các điều tra, thám sat, kết quả đã làm xuất lộ nhiều loại hình kiến trúc bằng gạch đá như mộ tháp, đền tháp, đường cổ, nhà chờ… và thu thập được hàng ngàn hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau: các mảnh kim loại vàng có chạm khắc các vị thần và các vật linh, các tượng thần Bà-la-môn giáo như Ganesha, Shiva, Brahma, Vishnu…; hiện vật bạc, đồng, sắt, đá bán quý, sa thạch và hiện vật gốm. Căn cứ vào loại hình kiến trúc cùng các hiện vật đã xuất lộ, các nhà khoa học thống nhất nhận định Di tích tích khảo cổ Cát Tiên là thánh địa Bà-la-môn giáo có niên đại vào khoảng từ thế kỷ VI - IX sau công nguyên.

Khu di tích khảo cổ Cát Tiên mang lại nhiều thông tin khoa học: sử học, dân tộc học, kiến trúc và nghệ thuật, di tích đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2014.

Từ khi phát hiện đến nay, Di tích khảo cổ Cát Tiên được trung ương, chính quyền địa phương quan tâm nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, đặc biệt sau nhiều năm khởi công xây dựng, ngày 19/5/2019 Bảo tàng Lâm Đồng chính thức mở cửa Nhà trưng bày giới thiệu về Di tích Khảo cổ Cát Tiên đón khách đến tham quan, nghiên cứu.

Nhà trưng bày với diện tích hơn 300m2, trong đó giới thiệu 3 chủ đề chính:
- Chủ đề thứ nhất giới thiệu những dấu ấn về di tích khảo cổ Cát Tiên, trong đó nhấn mạnh về vùng đất di sản và những phát hiện đầu tiên về di tích.
- Chủ đề thứ hai là trọng tâm của nhà trưng bày, trong đó giới thiệu đặc trưng cơ bản về các gò di tích, quá trình khai quật, đặc điểm kiến trúc và các hiện vật tiêu biểu.
- Chủ đề thứ ba giới thiệu về sự quan tâm, chỉ đạo từ trung ương đến địa phương đối với hoạt động của di tích, đồng thời giới thiệu về quá trình trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ Cát Tiên ngày nay.

Việc đưa nhà trưng bày Di tích khảo cổ Cát Tiên vào hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị lịch sử - văn hóa, giới thiệu đến công chúng các hiện vật, hình ảnh khảo cổ học được phát hiện qua các đợt khai quật, sưu tầm và thám sát tại khu di tích Cát Tiên từ năm 1994 đến nay. Qua đó góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Tây Nguyên trong tiến trình phát triển chung của lịch sử dân tộc.

Nhà trưng bày di tích Cát Tiên sẽ là điểm thu hút khách tham quan trong và ngoài nước đến nghiên cứu và học tập, qua đó góp phần vào phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương.
Thời gian mở cửa nhà trưng bày: tất cả các ngày trong tuần, ngày lễ, tết...
Buổi sáng: từ 7h00’ - 11h30’.
Buổi chiều: từ 13h30’ - 17h00’.

Một số hình ảnh tại nhà trưng bày

Khanh thanh di tich cat Tien 1

Đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng;

Đồng chí Nguyễn Thị Nguyên - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

đến thăm nhà trưng bày Di tích khảo cổ Cát Tiên, năm 2019

Khanh thanh di tich cat Tien 2

Toàn cảnh nhà trưng bày

Khanh thanh di tich cat Tien 3

Không gian giới thiệu tổng quan về di tích khảo cổ Cát Tiên

Khanh thanh di tich cat Tien 4

Không gian giới thiệu về các gò di tích

 

Lê Phi Long