Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Chương trình tham quan, nghiên cứu, học tập dành cho học sinh, sinh viên tại Bảo tàng Lâm Đồng và Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Tiếp tục thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/01/2014, Bảo tàng Lâm Đồng không ngừng nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng phục vụ, thường xuyên mở rộng, chỉnh lý các hoạt động trưng bày, tuyên truyền, đặc biệt là chương trình tham quan, học tập dành cho học sinh, sinh viên tại Bảo tàng Lâm Đồng (số 4, đường Hùng Vương, phường 10 - Đà Lạt) và tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (số 9A, đường Hồ Xuân Hương, phường 9 - Đà Lạt).

Trong chương trình tham quan, nghiên cứu, học tập nói trên, ngoài việc tiếp thu nhiều kiến thức mới, bổ ích về lịch sử - văn hóa thông qua các nội dung trưng bày, nghe giới thiệu, xem phim tư liệu, gặp gỡ giao lưu với nhân chứng lịch sử, học sinh, sinh viên (HSSV) còn được tham gia sinh hoạt ngoài trời, thi thố các trò chơi dân gian, nhiều trò chơi vận động vui tươi, lành mạnh… Qua đó, HSSV có điều kiện thư giãn, gần gũi và gắn bó với nhau hơn, góp phần tạo những chuyển biến tich cực trong nhận thức về lịch sử, văn hóa của địa phương, đất nước.

Chương trình cụ thể:

I. Tham quan Bảo tàng Lâm Đồng:

1. Nhà trưng bày chính: trưng bày các bộ sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử - văn hóa, nhằm giới thiệu một cách có hệ thống về lịch sử Lâm Đồng, vùng đất Nam Tây Nguyên huyền bí từ thời tiền sử, sơ sử đến hiện nay. Trong đó, tập trung giới thiệu các nội dung chính:
- Thiên nhiên Lâm Đồng giàu đẹp (khí hậu, thủy văn, tài nguyên khoáng sản, hệ động - thực vật).
- Đà Lạt xưa và nay (quá trình hình thành và phát hiển của Đà Lạt từ năm 1893 đến nay).
- Những phát hiện về khảo cổ học trên đất Lâm Đồng (thời kỳ tiền sử, các bộ sưu tập đàn đá, di tích khảo cổ học Cát Tiên, di chỉ mộ táng Đại Làng, Đại Lào, Đạ Đờng…).
- Những nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc bản địa Lâm Đồng: Mạ, Cơho, Churu.
- Phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Lâm Đồng.
- Những thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới ở Lâm Đồng.

2. Cung Nam Phương Hoàng hậu: Bảo tàng Lâm Đồng đã phục dựng và đưa vào giới thiệu một trong những dinh thự cổ, nổi tiếng độc đáo của Đà Lạt với vẻ đẹp của lối kiến trúc mang đậm phong cách Pháp. Tòa dinh thự này được ông Nguyễn Hữu Hào xây tặng con gái là Nam Phương Hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) vào đầu những năm 1930, nên còn được gọi là Cung Nam Phương Hoàng hậu. Đến đây, HSSV sẽ được trải nghiệm thú vị về cuộc sống của gia đình quý tộc, thượng lưu đầu thế kỷ XX và tìm hiểu về cuộc đời của Hoàng hậu Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.

3. Khu bảo tồn văn hóa dân tộc và các trò chơi dân gian: Bảo tàng Lâm Đồng phục dựng 2 nhà sàn truyền thống của dân tộc Mạ và Cơho bên cạnh mô hình cồng chiêng Tây Nguyên đường kính 7m (lớn nhất Việt Nam). Tại đây, HSSV sẽ được tìm hiểu về đời sống kinh tế - xã hội truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa và tham gia các trò chơi dân gian vui tươi, bổ ích như: nhún đu, ném còn, bập bênh, chơi ô ăn quan, cầu trượt…

4. Thao tác nghề truyền thống: HSSV sẽ được hướng dẫn để tự tay thao tác các công đoạn in tranh dân gian bằng chính các khuôn của làng tranh dân gian Đông Hồ; hoặc nặn gốm theo sự sáng tạo trên bàn xoay thủ công của làng gốm Bát Tràng (quý nhà trường, đơn vị cần liên hệ trước để chuẩn bị nguyên vật liệu).
Ngoài ra, không gian thoáng đãng trong diện tích khuôn viên gần 3 ha, với đồi thông, bãi cỏ, vườn hoa, thác nước, tiểu cảnh… sẽ giúp HSSV nghỉ ngơi, thư giãn, lưu lại những hình ảnh kỷ niệm ấn tượng.

5. Xem phim tư liệu: HSSV có thể tìm hiểu các giá trị văn hóa đặc sắc, các danh lam thắng cảnh và các nghề truyền thống của cư dân bản địa Lâm Đồng thông qua hơn 30 phim tư liệu lưu trữ tại Bảo tàng Lâm Đồng (quý nhà trường, đơn vị cần liên hệ trước để lựa chọn nội dung phim và chuẩn bị các điều kiện phục vụ).

II. Tham quan Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt do chế độ Việt Nam Cộng hòa thành lập, tồn tại từ năm 1971 - 1973, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia năm 2009. Khi đến đây, HSSV sẽ được tận mắt chứng kiến và cảm nhận sâu sắc tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của tuổi trẻ miền Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngoài hệ thống trưng bày với nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu, mô hình và các tổ hợp (ma-nơ-canh) được phục dựng tại đây, HSSV có thể được giao lưu với các nhân chứng lịch sử, nghe các Anh hùng lực lượng vũ trang, cựu tù chính trị của Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt nói chuyện và ôn lại truyền thống cách mạng (quý nhà trường, đơn vị liên hệ trước để Bảo tàng sắp xếp mời các nhân chứng lịch sử, cựu tù thiếu nhi).

III. Thời gian và lệ phí tham quan

1. Thời gian tham quan: tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, tết.
- Tại Bảo Tàng Lâm Đồng: mở cửa thông tầm từ 7 giờ 30’ đến 16 giờ 30’.
- Tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt:
+ Sáng: từ 7 giờ 30’ đến 11 giờ 30’.
+ Chiều: từ 13 giờ 30’ đến 16 giờ 30’.

2. Lệ phí tham quan:
- Tại Bảo tàng Lâm Đồng: 15.000 đồng/vé/người.
- Tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt: 10.000 đồng/vé/người.
Bảo tàng Lâm đồng sẽ thực hiện miễn, giảm phí tham quan phù hợp theo quy định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục vụ HSSV đến tham quan, nghiên cứu, học tập đạt kết quả tốt nhất.
Bảo tàng Lâm Đồng mong nhận được sự quan tâm phối hợp, cộng tác của quý nhà trường, đơn vị để góp phần thực hiện thành công Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”.
Hân hạnh được đón tiếp!

BẢO TÀNG LÂM ĐỒNG