Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Sách kỷ yếu các đề tài nghiên cứu khoa học từ 2004 - 2015

Đón chào năm mới 2016, Bảo tàng Lâm Đồng vừa cho ra mắt sách “Kỷ yếu các đề tài nghiên cứu khoa học từ 2004 - 2015”. Đây là ấn phẩm sách thực hiện theo kế hoạch công tác năm 2015 đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt, do Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản.

trungnguyen2016 03 10 075650AM

Là cơ quan nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong những năm qua, Bảo tàng Lâm Đồng không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Bảo tàng thường xuyên tổ chức các đợt điền dã dân tộc học, điều tra, khảo sát, sưu tầm hiện vật, tư liệu, phối hợp khai quật khảo cổ học, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa tỉnh Lâm Đồng. Hàng năm, Bảo tàng thực hiện 2 - 3 đề tài nghiên cứu khoa học, hàng chục chuyên đề phục vụ công tác thuyết minh. Từ cơ sở lý luận kết hợp với thực tiễn công tác, bằng trách nhiệm, tâm huyết nghề nghiệp, đội ngũ cán bộ viên chức Bảo tàng đã hoàn thành nhiều chuyên đề khoa học, góp phần làm phong phú kho tư liệu và tích cực giới thiệu các giá trị di sản văn hóa đến đông đảo công chúng.

Sách “Kỷ yếu các đề tài nghiên cứu khoa học từ 2004 - 2015” tập hợp, chọn lọc và giới thiệu những nội dung cốt yếu của các đề tài nghiên cứu khoa học từ năm 2004 đến năm 2015 của Bảo tàng Lâm Đồng. Sách được biên tập theo 3 nhóm vấn đề:

- Phần "Di tích - di vật tỉnh Lâm Đồng”: giới thiệu về các di tích khảo cổ phát hiện, khai quật, như di chỉ tiền sử, các di chỉ mộ táng, di tích Cát Tiên…; các bộ sưu tập hiện vật khảo cổ, như bộ sưu tập công cụ đá mới, bộ sưu tập đàn đá, bộ sưu tập gốm sứ, bộ sưu tập Linga - Yoni…

- Phần “Đặc trưng văn hóa các dân tộc bản địa tỉnh Lâm Đồng”: giới thiệu về loại hình kinh tế nương rẫy truyền thống; các nghề thủ công truyền thống, như nghề dệt, nghề đan lát, nghề rèn, nghề làm trang sức bạc…; giới thiệu về văn hóa vật chất, như nhà ở truyền thống, các sưu tập trang sức, sưu tập gùi, các vật dụng truyền thống…; giới thiệu về văn hóa tinh thần, như các lễ hội, phong tục, tập quán, ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích…

- Phần “Các hoạt động chuyên môn của Bảo tàng Lâm Đồng”: giới thiệu về các hoạt động chuyên môn của đội ngũ cán bộ, viên chức; giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng…

Với trên 400 trang nội dung và hình ảnh minh họa, khổ 21cm x 29,7cm, được trình bày mỹ thuật, sách “Kỷ yếu các đề tài nghiên cứu khoa học từ 2004 - 2015” là một tài liệu tham khảo hữu ích, cung cấp những thông tin khoa học đáng tin cậy, bước đầu giúp bạn đọc tìm hiểu có hệ thống về lịch sử phát triển của tỉnh, cũng như về hoạt động của Bảo tàng Lâm Đồng. Ấn phẩm thể hiện kết quả lao động nghiêm túc, đáng trân trọng của đội ngũ cán bộ, viên chức Bảo tàng. Hy vọng ấn phẩm sẽ đón nhận những đánh giá tích cực và những đóng góp quý báu từ bạn đọc để hoạt động nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Lâm Đồng ngày càng khởi sắc hơn.

P.N