Tìm hiểu đôi nét về hình ảnh con Nghê, linh vật của người Việt xưa qua hiện vật trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu
Nghê là một linh vật đã xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, từ dân gian đến cung đình, góp phần làm nên một diện mạo tinh thần sống động, lạc quan và rất thân thuộc trong đời sống người Việt. Sự kết hợp giữa yếu tố hư cấu với những biểu trưng dân gian đã khiến cho các nghệ nhân dân gian có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo, góp phần đưa biểu tượng Nghê trong văn hóa Việt Nam lên tầm của một linh vật đặc sắc, mang tâm hồn và bản sắc Việt Nam. Đây chính là một trong những thành tố văn hóa tiêu biểu nhất của nền văn hóa Việt Nam được sáng tạo bởi các nghệ nhân dân gian và cung đình trong lịch sử văn hóa dân tộc.
Mặt trước Đỉnh ngọc chạm khắc linh vật Nghê,trưng bày tại Cung Nam Phương Hoàng hậu
Mặc dù Nghê là linh vật được hình thành trong văn hóa truyền thống Việt Nam, nhưng nhiều người vẫn thường ngộ nhận với những linh vật có nguồn gốc từ Trung Hoa, như Lân, Lân Mã, Long Mã. Lân là tên gọi chung chỉ cặp đôi Kỳ - Lân (Kỳ là con đực, Lân là con cái), có một sừng, móng guốc, thân hình tròn mập phủ vảy cá, đuôi ngắn, hay ngồi chống chân lên quả cầu. Còn Nghê không có sừng, dáng thanh, mình thon nhỏ, đuôi dài vắt ngược lên lưng và có móng vuốt. Nghê mang hình dáng của sư tử, của rồng và cả của chó, miệng thường ngậm ngọc.
Nghê là linh vật mang tâm hồn Việt, được sáng tạo để bảo vệ đời sống tâm linh của người Việt. Nghê mang yếu tố huyền thoại, dũng mãnh, thiên biến vạn hóa: khi hóa Rồng là biểu tượng cho quyền lực chính trực; khi có mình chó thể hiện lòng trung thành; khi đuôi vút cao liên tưởng đến ngọc như ý; khi đội giá sớ hay bài vị, thể hiện dự cam chịu; khi ngậm ngọc biểu thị sự khôn ngoan. Nghê đã chạm đến chốn sâu lắng nhất của tâm hồn người Việt, gắn với đời sống của nhân dân, với văn hóa Việt Nam xuyên suốt hàng nghìn năm.
Trong đời sống tinh thần, Nghê là linh vật có thể xua đuổi tà ma, canh giữ cho gia chủ. Vì thế, chó đá được dựng lên trước cửa của cổng làng, cổng đình, cổng nhà tại nhiều làng quê miền Bắc nước ta, hay bày trước cửa đền, miếu, trước cửa những gia đình giàu có. Chó đá hóa linh được chạm khắc, tạc đẽo oai vệ mà dần hình thành con Nghê. Bằng nghệ thuật tạo dáng và kĩ thuật chạm khắc tinh tế, nghệ nhân đã thể hiện những cảm thức sáng tạo và khiếu thẩm mỹ đặc sắc, nhất là khi nền văn hóa Việt phục hồi sau thời kỳ Bắc thuộc. Ngay từ thế kỉ I - thế kỉ III, ở nước ta đã có tượng Nghê đồng, tới thời Lý đã có tượng Nghê ở hai nậm rượu. Từ thế kỉ XIII - XIV tới thời Chu Đậu thế kỉ XVI - XVII, Nghê có trong bát hương và các bình trầm hương, với nhiều loại chất liệu khác nhau từ đồng, gỗ chạm đến gốm tráng men các màu,…
Sinh viên Trường Đại họcKinh tế Hồ Chí Minh, tham quan cung Nam Phương Hoàng hậu
Khi tới tham quan Bảo tàng Lâm Đồng, du khách sẽ được thưởng lãm đỉnh thờ do Ngự xưởng triều Nguyễn chế tác, trong nhóm hiện vật “Thờ tự và nghi lễ” được trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu (nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng). Đỉnh thờ này được làm từ đá ngọc nguyên khối màu nâu cánh gián, với phần nắp được chạm khắc hình con Nghê làm tay cầm.
Nếu như Nghê thời Lê (khoảng thế kỉ XVI - XVII) được tạo hình với tư thế ngồi trên bệ chống hai chân trước, dáng thu mình vươn cao, mắt lồi, mũi nở, tai có hình như tai voi nhỏ, có 5 vòng râu xoắn nổi, bờm tóc kết thành 4 sóng to đăng đối hai bên, ức nở; đầu, thân và đùi Nghê chạm nổi vảy rồng, lưng khum có hình mây lửa, đao, mác, chân có móng vuốt, thì Nghê thời Nguyễn được tạo hình với hình dáng lông mày xoáy trôn ốc, mắt lồi, mở to, miệng ngậm, đùi nổi rõ cơ bắp cuồn cuộn, cơ lưng gồng lên; mông nở to, bờm và đuôi xoè hình lửa có xoắn ốc nổi rõ; bốn bàn chân xòe rộng, mỗi chân đều có bốn móng vuốt như móng sư tử. Bên cạnh những mô típ hình lửa, đao, mác trong tạo hình Nghê thời Lê, nghệ nhân thời Nguyễn đã đi sâu vào các chi tiết trang trí, tả thực cơ bắp đùi, mông, lưng, móng vuốt, lông mày của con Nghê trên đỉnh ngọc này.
Mặt sau Đỉnh ngọc chạm khắc hình con Nghê, trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu
Sự hình thành linh vật Nghê là một sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta trong việc tiếp thu các yếu tố văn hóa du nhập trên cao tầng văn hóa bản địa để hình thành nên thành tố văn hóa của riêng mình.
Đến thời hiện đại, nhiều linh vật truyền thống bắt đầu suy giảm. Không chỉ Nghê mà nhiều linh vật khác cũng chưa được quan tâm bảo tồn đúng mức. Nhiều linh vật ngoại lai xuất hiện và chiếm lĩnh không gian thờ tự cũng như tại các di tích. Việc bỏ đi những linh vật ngoại lai và đưa linh vật Nghê trở lại đúng với ý nghĩa và tầm vóc vốn có là vô cùng cần thiết. Trên cơ sở đó, việc giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước về hình tượng con Nghê trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn đang được trưng bày tại Cung Nam Phương Hoàng hậu cũng là một phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Phạm Thị Ngát
Tin mới
- Thông đỏ ở Lâm Đồng - 20/09/2024 03:04
- Thông năm lá Đà Lạt - 11/09/2024 03:10
- Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2024): “Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa!” - 16/08/2024 01:45
- Tìm hiểu về gỗ Pơ mu thông qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 16/08/2024 01:41
- Đà Lạt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 13/08/2024 14:27
Các tin khác
- “Báu vật hoàng cung” Triển lãm hiện vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 02/06/2024 11:01
- Những bức thư của Nam Phương Hoàng hậu, một phần của ký ức Đà Lạt - 20/05/2024 11:31
- Tình cảm của quân dân Lâm Đồng đối với Bác Hồ qua các kỷ vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 19/05/2024 12:39
- Nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền và 6 bức thư tuyệt mệnh - 13/04/2021 13:45
- Anh hùng liệt sỹ Lê Thị Pha - người cộng sản chân chính - 13/04/2021 13:31