Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Những bức thư của Nam Phương Hoàng hậu, một phần của ký ức Đà Lạt

Những ai yêu mến Đà Lạt chắc hẳn sẽ không xa lạ với dinh Nguyễn Hữu Hào, còn được biết đến là cung Nam Phương Hoàng hậu, bởi đây là một phần ký ức Đà Lạt. Nơi này từng được Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu làm nơi nghỉ mát khi Dinh 1 và Dinh 3 chưa được xây dựng. Hiện nay, Cung Nam Phương Hoàng hậu đã được Bảo tàng Lâm Đồng phục dựng, trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu của gia đình Nam Phương Hoàng hậu và triều Nguyễn. Đặc biệt trong số đó là các bức thư Nam Phương Hoàng hậu viết từ Pháp gửi về cho Vua Bảo Đại.

nhung buc thu cua nam phuong hoang hau 1

Cung Nam Phương Hoàng Hậu

Những bức thư này được Nam Phương viết bằng tiếng Pháp gửi về cho Bảo Đại ở Đà Lạt, vào năm 1949. Nội dung các bức thư chủ yếu kể về cuộc sống của các con, thể hiện nỗi buồn, nỗi nhớ nhà và tình cảm dành cho Bảo Đại khi Nam Phương sinh sống ở Pháp. Qua các bức thư này, chúng ta có thể thấy Nam Phương Hoàng hậu là một người có tình yêu thương gia đình hết mực. Dù ở xa, nhưng bà luôn quan tâm đến chồng và gia đình chồng, thể hiện qua những trang thư nói về nỗi nhớ và tình cảm của bà dành cho chồng.

nhung buc thu cua nam phuong hoang hau 2
Những bức thư của Nam Phương Hoàng hậu viết cho vua Bảo Đại, năm 1949

Bức thư viết vào ngày 26/4/1949 tại Cannes thể hiện nỗi buồn của Nam Phương và các con khi Vua Bảo Đại rời khỏi nhà tại Pháp quay về lại Việt Nam: “Các con rất buồn vì không được báo trước khi máy bay của mình bay ngang bầu trời trên mái nhà của bọn mình. Nhưng khi Bambinette (tên của Công Chúa Phương Liên) tình cờ nhìn qua cửa sổ cũng là lúc có tiếng động cơ máy bay. Em thấy con vừa khóc vừa quay mặt vào nhà. Cả hai mẹ con đều chung nỗi buồn nặng trĩu”. Cuối thư, Nam Phương Hoàng hậu cũng không quên gửi lời yêu thương và động viên đến Vua Bảo Đại: “Em ôn hôn mình với tất cả trái tim và giây phút nào cũng cầu nguyện cho mình bằng tất cả tình cảm mặn nồng của em. Cầu mong Thượng đế luôn phù hộ cho mình. Nhưng bản thân mình cần phải vững vàng và cẩn thận mới được. Em chỉ sống vì mình và các con mà thôi”.

nhung buc thu cua nam phuong hoang hau 3Thư của Nam Phương Hoàng hậu viết vào ngày 26/4/1949

Dù ở xa, nhưng Nam Phương Hoàng hậu luôn nhớ về quê hương, nhớ về gia đình và quan tâm đến bà Từ Cung (mẹ Vua Bảo Đại), thể hiện qua bức thư bà viết vào ngày 05/5/1949: “Em hy vọng mình không mệt mỏi vì những cuộc tiếp xúc và thời tiết nóng bức. Hãy cho em biết tin của Mẫu Hậu ở Đà Lạt như thế nào nhé.”

              nhung buc thu cua nam phuong hoang hau 4nhung buc thu cua nam phuong hoang hau 5

            Thư của Nam Phương Hoàng hậu viết vào ngày 5/5/1949

Nam Phương còn cẩn thận quan tâm dõi theo Bảo Đại qua tin tức báo chí, thể hiện qua từng dòng thư vào ngày 30/5/1949: “Thi thoảng em vẫn thấy báo chí đưa tin về mình nhưng không có gì đặc biệt cả”. Bên cạnh thể hiện tình cảm với chồng, trong bức thư này bà cũng thể hiện sự quan tâm đến người cha là ông Nguyễn Hữu Hào: “Em mong ở bên đó không quá nóng và mình có thể chịu đựng được. Bao giờ mình xuống Sài Gòn? Khi nào rời Đà Lạt, xin mình hãy vì em mà đặt một bông hoa lên mộ cha em và cho người tổ chức một lễ cầu nguyện cho vong linh của cha em. Em ở xa quá, không lo liệu được việc này. Liệu ngôi mộ của cha em có được trông coi cẩn thận không?”…

nhung buc thu cua nam phuong hoang hau 6
Thư của Nam Phương Hoàng hậu viết vào ngày 30/5/1949

Các bức thư này hiện đang được trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu, trong khuôn viên của Bảo tàng Lâm Đồng. Lưu giữ và giới thiệu đến công chúng các bức thư này cũng chính là lưu giữ và giới thiệu một phần ký ức của Đà Lạt liên quan đến Nam Phương Hoàng hậu, vị Hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Thùy Linh