Thắng cảnh hồ Xuân Hương - Trái tim thành phố Đà Lạt
Khi tới du lịch Đà Lạt, có một địa điểm rất thơ mộng nằm giữa lòng trung tâm thành phố vô cùng quen thuộc đối với mọi du khách. Đó chính là hồ Xuân Hương, một trong những điểm sáng trên bản đồ du lịch Đà Lạt, được ví như trái tim, hay là viên ngọc xanh giữa trung tâm thành phố Đà Lạt ngàn hoa.
Kể từ sự kiện thi công đắp đập nước ngăn dòng suối Cam Ly vào năm 1919 cho đến nay, hồ Xuân Hương đã bước sang tuổi thứ 105. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, hồ được xem như một chứng nhân lịch sử của những bước phát triển, những đổi thay của thành phố cao nguyên này.
Hồ Xuân Hương những năm đầu thập niên 1920
Nhiều du khách khi tới Đà Lạt, dạo quanh không gian hồ sẽ không khỏi tự đặt cho mình một thắc mắc rằng: “Hồ Xuân Hương là hồ tự nhiên hay hồ nhân tạo?” Hãy cùng nhau trở về quá khứ, theo những dòng ghi chép của kí ức năm xưa để tìm ra câu trả lời. Được biết, vùng đất Đà Lạt thuở xa xưa là miền sơn cước hoang vu, hùng vĩ, có một dòng suối lớn chảy qua. Đây cũng là nơi cư trú lâu đời của người Lạch. Tên gọi Đà Lạt, theo các nhà nghiên cứu, xuất phát từ hai chữ “Đạ Lạch”, nghĩa là dòng suối của người Lạch, chính là dòng suối Cam Ly ngày nay.
Từ những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, người Pháp bắt đầu xây dựng những cơ sở hạ tầng đầu tiên dọc theo hai bên bờ suối Cam Ly, hình thành diện mạo ban đầu cho một đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt trên miền đất cao nguyên này.
Năm 1919, từ sáng kiến của Công sứ Cunhac, Kĩ sư công chánh Labbé đã tiến hành xây dựng đập nước trên dòng suối Cam Ly. Từ đây xuất hiện một hồ nước lớn (người Pháp gọi là hồ Lớn - Grand Lac). Năm 1923, một đập nước khác lại được xây dựng thêm và hồ được mở rộng hơn. Năm 1932, một cơn bão lớn đã làm cả hai đập nước bị vỡ, Đà Lạt bị ngập lụt nặng. Tới năm 1935, Kỹ sư Công chánh Trần Đăng Khoa đã cho thiết kế xây dựng lại đập nước bằng đá kiên cố hơn, chính là cầu Ông Đạo ngày nay. Năm 1953, ông Nguyễn Vỹ - Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt, đã đề nghị đổi tên hồ Lớn thành hồ Xuân Hương, với ý nghĩa là mùi hương thơm thoang thoảng của cây cỏ xung quanh hồ hòa quyện vào mùa xuân.
Hồ Xuân Hương hiện nay nằm trên độ cao 1.478m so với mực nước biển, có diện tích khoảng 33ha, chiều dài vòng quanh hồ 5,1km (được bao quanh bởi các đường Nguyễn Thái Học, Bà Huyện Thanh Quan, Yersin, Trần Quốc Toản, Lê Đại Hành), độ sâu trung bình 1,5m.
Vào mùa khô, mặt hồ trong xanh, phẳng lặng, còn vào mùa mưa, có những lúc nước hồ đỏ ngầu do phù sa đất đỏ từ thượng nguồn trên núi Langbian hùng vĩ đổ về. Hồ Xuân Hương trước đây, ngoài chức năng điều tiết nước, còn là một nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Tại ngã ba giao điểm ở đường ven hồ Xuân Hương với đường Bùi Thị Xuân, ngày nay ta còn thấy dấu tích của một hồ lắng nhỏ, nơi này mang tên ngã ba Nhà máy nước, trước đây là nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân Đà Lạt.
Nằm trong khu vực địa hình thung lũng rộng, theo dòng chảy của suối Cam Ly, hồ Xuân Hương có phối cảnh thơ mộng của miền núi cao, quang cảnh và thảm thực vật của miền khí hậu ôn đới, ta có thể quan sát được từ ven hồ hay ở nơi có vị trí cao hơn. Vào những buổi sớm bình minh, mặt hồ ẩn hiện trong màn sương mờ ảo, thấp thoáng bóng hàng thông xanh mướt còn ướt sương và những công trình kiến trúc có màu thời gian. Hay trong những buổi hoàng hôn, người dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng ánh tà dương xuyên qua màn sương mỏng trời chiều, xuyên qua những hàng cây và những dãy nhà cổ một ánh vàng rực rỡ. Để tìm cho mình những giây phút tĩnh lặng, ngắm nhìn hồ Xuân Hương khi màn đêm buông xuống với màn sương dày, thấp thoáng trong ánh đèn muôn màu của thành phố là điều mà lữ khách phương xa không thể bỏ lỡ. Tất cả hiện lên thành những bức tranh vẽ sống động về một thành phố mang dấu ấn Pháp giữa thiên nhiên miền đại ngàn cao nguyên Đà Lạt.
Vào mùa xuân, khi hoa mai anh đào xuất hiện với sắc hồng rữ rỡ như điểm tô cho Đà Lạt thêm thơ mộng và hình ảnh ấy đã đi vào lời ca quen thuộc: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi, nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi …”. Hình ảnh Đà Lạt gắn với hoa mai anh đào đã tạo ra một bức tranh xuân sắc quyến rũ, thơ mộng trong lòng du khách bốn phương.
Có thể khẳng định, vẻ đẹp của hồ Xuân Hương như vô tận, làm cho du khách luôn muốn dừng chân, lưu giữ lại những khoảnh khắc tuyệt diệu qua những bức hình lưu niệm, là nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận cho biết bao thế hệ văn nghệ sĩ khi tới với Đà Lạt mộng mơ.
Mai anh đào rực sắc hồng bên hồ Xuân Hương - vẻ đẹp mùa xuân Đà Lạt
Ngày nay, khi tới Đà Lạt, quanh hồ Xuân Hương có rất nhiều địa điểm du lịch thú vị dành cho du khách, như Chợ Đà Lạt, Quảng trường Lâm Viên, Công viên Xuân Hương, Công viên Yersin, Vườn hoa thành phố, Nhà Thủy tạ, hay dịch vụ đi xe ngựa, đạp vịt trên hồ… Dọc theo bờ hồ, một số nơi còn có sự hiện diện của các tác phẩm nghệ thuật đến từ các nghệ nhân, là một điểm nhấn thú vị cho du khách khi dạo bước quanh bờ hồ.
Đêm quanh hồ Xuân Hương trở nên nhộn nhịp, rực rỡ hơn bỏi ánh đèn trong màn sương đêm, hay những khu ẩm thực cạnh Vườn hoa thành phố và Công viên Xuân Hương. Đặc biệt, từ ngày 07/6/2024, một tuyến phố đi bộ đêm trải dài dọc theo bờ hồ Xuân Hương vừa được khai trương. Đây là tuyến phố bắt đầu từ ngã ba Trần Quốc Toản - Đinh Tiên Hoàng kéo dài tới Vườn hoa thành phố. Khi đến với tuyến phố này, du khách cũng có thể tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm quà lưu niệm và thưởng thức ẩm thực đường phố phong phú. Đây là một điểm nhấn mới về đêm bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng, góp phần phát huy tiềm năng du lịch, thu hút du khách tham quan và trải nghiệm một khung cảnh huyền ảo dưới màn sương đêm của phố núi Đà Lạt mộng mơ.
Khai trương Phố đi bộ Trần Quốc Toản - Đà Lạt, tối ngày 07/6/2024
Với những giá trị về cảnh quan, cũng như về di sản văn hóa, ngày 06/11/1988, hồ Xuân Hương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia, đồng thời cũng là di tích danh thắng đầu tiên của Lâm Đồng được xếp hạng là thắng cảnh quốc gia, được bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy giá trị cho hôm nay và mai sau.
Tại Nhà trưng bày chính của Bảo tàng Lâm Đồng, những giá trị di sản văn hóa luôn được chú trọng lưu giữ và phát huy. Những hình ảnh, tư liệu về hồ Xuân Hương - trái tim của thành phố Đà Lạt được trưng bày và giới thiệu tới du khách ở nhiều phần trưng bày, cho thấy vị trí quan trọng của nơi này đối với địa phương. Tại phần trưng bày Thiên nhiên, hồ Xuân Hương ngày nay được giới thiệu tới du khách là một trong những Di tích thắng cảnh cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tại phần trưng bày Đà Lạt xưa, những hình ảnh về hồ Xuân Hương góp phần đưa du khách hồi tưởng về một Đà Lạt thơ mộng qua 105 năm tuổi. Đặc biệt, khi du khách tham quan cung Nam Phương Hoàng hậu, đứng trên lầu cao phóng tầm mắt về trung tâm thành phố sẽ thấy hồ Xuân Hương hòa mình giữa những tán thông ba lá, trong khung cảnh của một thành phố hiện đại, như một lát cắt giữa quá khứ và hiện tại của Đà Lạt mộng mơ.
Hoàng Hiền
Tin mới
- Những dấu ấn và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 21/08/2024 03:18
- Vai trò lãnh đạo của Đảng quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 19/08/2024 02:35
- Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức được đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - 05/08/2024 03:14
- Tìm hiểu địa giới hành chính Đà Lạt qua các thời kỳ (từ năm 1893 đến nay) - 05/07/2024 08:15
- Làm Gốm - nét văn hóa truyền thống của người Chu Ru - 27/06/2024 01:32
Các tin khác
- Triển lãm ảnh “Cao nguyên xanh” - 02/06/2024 11:06
- Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2024): Chân dung lãnh tụ V.I. Lênin ở Bảo tàng Lâm Đồng - 23/04/2024 23:43
- Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Đà Lạt - Lâm Đồng (03/4/1975 - 03/4/2024): Nhìn lại và bước tới - 03/04/2024 10:07
- Lối xưa xe ngựa Đà Lạt - 25/12/2023 01:08
- Bảo tàng Lâm Đồng: Hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 - 13/11/2023 01:54