Lối xưa xe ngựa Đà Lạt
Với 130 năm hình thành và phát triển, từ một vùng đất hoang sơ đến thành phố du lịch Đà Lạt nổi tiếng, du khách bốn phương về đây không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của xứ sở thơ mộng, được hoà mình với thiên nhiên trong lành, chiêm ngưỡng những ngôi biệt thự cổ kính mang đầy hoài niệm về một “tiểu Paris”..., mà còn được trải nghiệm nhiều loại hình dịch vụ du lịchmang đậm đặc trưng Đà Lạt. Trong đó, dạo một vòng xe ngựa dọc hồ Xuân Hương là ưu tiên lựa chọn của nhiều du khách. Bởi ngồi xe ngựa, nghe tiếng vó ngựa lóc cóc, gợi nhớ một phương tiện đi lại hiền hòa gắn liền với thành phố Đà Lạt mộng mơ.
Mô hình xe ngựa tại Bảo tàng Lâm Đồng
Con người thuần hóa ngựa từ cả hàng ngàn năm trước Công nguyên và dùng ngựa kéo xe từ thời cổ đại. Ở nước ta, không biết xe ngựa có từ khi nào, nhưng từ rất xa xưa, xe ngựa từng là loại phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa khá phổ biến ở nhiều vùng miền. Ngựa kéo xe thường không cần vóc dáng đẹp và nước kiệu hay, chỉ cần chọn các dòng ngựa có cơ bắp, sức mạnh, tính nết hiền lành, không bị những chứng tật có thể gây tai nạn khi đang kéo xe. Ngựa được chủ chăm nuôi kỹ lưỡng để chúng đủ sức làm việc lâu dài. Ngoài cỏ tươi, người ta còn cho ngựa uống nước đường trộn cám, ăn thêm lúa hạt, lúa mầm, gạo lức, mật đường, cám tinh. Những hôm có hàng chuyên chở, người chủ phải dậy sớm cho ngựa ăn no nê và chuẩn bị thức ăn dự trữ cho chúng ăn dọc đường để có sức kéo xe. Chủ còn phải tắm rửa, chải lông cho ngựa hàng ngày. Ngày xưa, mỗi buổi sớm mai hay chiều muộn, ta vẫn thường bắt gặp cảnh tắm ngựa ở cuối hồ Xuân Hương.
Xe ngựa thường do một đến hai con ngựa kéo, một người ngồi phía trước xe điều khiển. Xe chở hàng chỉ có thùng xe, còn xe chuyên chở người thường có mái che nắng mưa. Chế tác xe ngựa khá kỳ công với những yêu cầu rất khắt khe. Kích thước chiều dài, chiều rộng, chiều cao của thùng xe phải cân bằng, tuân theo kinh nghiệm của những người làm xe lâu năm. Để đóng được một chiếc xe ngựa truyền thống, ngoài tay nghề và vốn hiểu biết, người thợ còn cần tính kiên trì, nhẫn nại. Các chi tiết của xe phải làm chính xác, một số bộ phận phải tính toán độ xê dịch hợp lý để khi di chuyển không bị chao, bị lật. Khó nhất là giai đoạn đặt nhíp, cân bằng khung xe, đảm bảo trọng tâm xe thích hợp.
Vật liệu làm xe phần lớn từ những loại gỗ tốt, như gỗ giáng hương, hoặc gỗ chò, là hai loại gỗ quý, bền và có độ đàn hồi cao. Xe ngựa có thùng xe, nơi khách ngồi hay chở hàng hóa được làm bằng gỗ mít, dài hơn 1m, chiều cao khoảng từ 1,4m, chiều ngang thùng xe dài 1,3m, phía trên chia làm ba ô cửa sổ. Thùng xe gắn chồng lên hai gọng, dài hơn 2m, được vít cứng trên bộ nhíp thép (bốn lá trên và bốn lá dưới) hình trái khế, tạo độ đàn hồi, nâng thùng xe thăng bằng khi chạy. Một chiếc xe ngựa thông thường chở được 5 đến 6 người, cùng với quang gánh, thúng mủng, hay tất tật những gì mà sức ngựa có thể chở, như hàng hóa, rau hoa, độ vài ba trăm ký. Mỗi vành bánh xe ngựa được ghép từ sáu mảnh gỗ, gắn với 12 chiếc tăm gỗ liền với trục bánh xe. Bên ngoài vành gỗ còn có thêm vành sắt bảo vệ và lớp đệm cao su nịt chặt vòng ngoài để giảm xóc. Bánh xe gỗ khi chạy phát ra tiếng kêu lách cách đều đều, kết hợp với tiếng chuông leng keng ở cổ ngựa, tiếng vó ngựa lóc cóc gõ nhịp trên đường, tạo nên thứ âm thanh quen thuộc của loại hình chuyên chở khách đặc trưng.
Chẳng ai còn nhớ chiếc xe ngựa đầu tiên ở Đà Lạt có từ bao giờ, nhưng một điều chắc chắn là việc sử dụng ngựa và xe ngựa ở Đà Lạt đã có từ rất lâu. Trên cao nguyên Lang Biang, đồng bào Cơ Ho, vốn là những cư dân sống lâu đời nơi này vẫn cưỡi ngựa không yên cho đến tận ngày nay. Trong chuyến thám hiểm vào năm 1893 của bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin, ngựa là phương tiện chính đưa ông cùng đoàn thám hiểm lần đầu đặt chân lên cao nguyên Lang Biang hùng vĩ. Tháng 3 năm 1899, bác sĩ Alexandre Yersin tháp tùng Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cũng bằng phương tiện di chuyển là ngựa để từ Phan Rang lên Lang Biang khảo sát chuẩn bị xây dựng Đà Lạt. Sau khi quyết định chọn xây dựng Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng, Toàn quyền Paul Doumer chỉ đạo thành lập Trạm nông nghiệp Đan Kia ở khu vực hồ Suối Vàng nhằm chăm sóc, thuần dưỡng một số giống rau, hoa, gia súc có xuất xứ từ châu Âu, sau đó chọn lọc những giống thích hợp để nhân rộng tại Đà Lạt. Trong số các gia súc đầu tiên được nuôi dưỡng ở Trạm nông nghiệp Đan Kia có giống ngựa được nhập từ nước Pháp.
Thành phố Đà Lạt được xây dựng trên địa hình đồi dốc. Đường phố uốn lượn, lên cao, xuống thấp liên tục, nên việc di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Vì thế, ngựa chính là “trợ thủ” đắc lực bởi bản tính hiền lành, sức khỏe dẻo dai, dễ nuôi dưỡng, phù hợp với hoạt động vận chuyển người và hàng hóa ở vùng miền núi. Đó cũng là lý do khiến nghề nuôi ngựa và điều khiển xe ngựa sớm thịnh hành ở Đà Lạt. Những năm 70 - 80 của thế kỷ XX là thời hoàng kim của xe ngựa Đà Lạt, với số lượng hàng trăm chiếc. Hàng ngày, những đoàn xe ngựa hối hả xuôi ngược trên khắp nẻo đường. Các chủ xe làm không hết việc, nào chở rau và hoa từ vườn lên phố, nào đưa các bà, các mẹ đi chợ, đưa học sinh đến trường, đến chở du khách thăm thú những điểm du lịch nổi tiếng...
Không giống các phương tiện khác, xe ngựa hòa hợp với cảnh quan Đà Lạt một cách rất tự nhiên. Hình ảnh những chiếc xe ngựa thân thương, bác đánh xe hiền lành, cùng tiếng vó ngựa lóc cóc gõ nhịp trên dốc vắng, xen lẫn tiếng lục lạc leng keng vui tai đã in sâu vào tiềm thức của người dân và du khách, neo mãi trong miền nhớ, trở thành nét đặc trưng của thành phố mộng mơ…
Sự phát triển các phương tiện giao thông hiện đại từ những năm 90 của thế kỷ XX khiến cho nghề xe ngựa tại Đà Lạt nhanh chóng thay đổi. Những chiếc xe máy, xe tải, máy kéo, xe bus với sức mạnh, vận tốc, tính cơ động và nhiều lợi thế vượt trội đã dần thay thế xe ngựa. Nhiều người đành phải bán xe, bán ngựa, chuyển sang làm nghề khác. Từ năm 1999, nhằm bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh đô thị, chính quyền thành phố Đà Lạt bắt đầu cấm xe thô sơ do gia súc kéo đi vào trung tâm thành phố, nên nghề vận tải bằng xe ngựa chính thức bị “khai tử” từ đây!
Ngày nay khi đến với thành phố Đà Lạt, du khách không khó để bắt gặp những chiếc xe ngựa. Xe ngựa vẫn là một hình ảnh quen thuộc dọc đồi Cù và hồ Xuân Hương, hoặc tại các điểm du lịch để du khách trải nghiệm. Mặc dù không còn là chiếc xe ngựa bằng gỗ như ngày nào, nhưng tiếng vó ngựa lóc cóc, tiếng lục lạc leng keng bên hồ Xuân Hương vẫn gõ vào miền ký ức của bao người về một Đà Lạt mộng mơ trong quá khứ, với những chuyến xe ngựa hối hả xuôi ngược khắp mọi nẻo đường. Tại Bảo tàng Lâm Đồng, trong không gian trưng bày về Đà Lạt xưa có mô hình xe ngựa, được đông đảo khách tham quan chụp ảnh check in, như muốn lưu dấu cùng Đà Lạt theo tiếng vó ngựa lóc cóc gõ nhịp “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo…” (thơ Bà Huyện Thanh Quan).
Thảo Trang
Tin mới
- Làm Gốm - nét văn hóa truyền thống của người Chu Ru - 27/06/2024 01:32
- Thắng cảnh hồ Xuân Hương - Trái tim thành phố Đà Lạt - 25/06/2024 04:07
- Triển lãm ảnh “Cao nguyên xanh” - 02/06/2024 11:06
- Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2024): Chân dung lãnh tụ V.I. Lênin ở Bảo tàng Lâm Đồng - 23/04/2024 23:43
- Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Đà Lạt - Lâm Đồng (03/4/1975 - 03/4/2024): Nhìn lại và bước tới - 03/04/2024 10:07
Các tin khác
- Bảo tàng Lâm Đồng: Hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 - 13/11/2023 01:54
- Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Ho ở Lâm Đồng - 13/11/2023 01:43
- Tìm hiểu nguồn gốc tên gọi Đà Lạt - 13/11/2023 01:33
- Bảo tàng Lâm Đồng: Ứng dụng công nghệ 4.0 trong lưu trữ và quảng bá di sản văn hóa - 29/09/2023 07:51
- Thông ba lá ở Đà Lạt - 25/09/2023 07:20