Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Tìm hiểu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Bảo tàng Lâm Đồng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 71 năm trước (19/8/1945), cả dân tộc Việt Nam nhất tề đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, với sức mạnh như triều dâng thác đổ, nhân dân từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn đã khởi nghĩa thắng lợi đập tan chế độ thực dân, phong kiến, thực hiện khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng từ bao đời. Đến với Bảo tàng Lâm Đồng, chúng ta có thể tìm hiểu sự kiện lịch sử trọng đại này tại không gian trưng bày “Phong trào đấu tranh cách mạng tỉnh Lâm Đồng”.

hoanghien Tim hieu cmtt 1945 1a

Góc trưng bày về Cách mạng Tháng Tám trong không gian trưng bày “Phong trào đấu tranh cách mạng tỉnh Lâm Đồng”

Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thế giới và đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Chính phủ Pháp thi hành chính sách phản động nhằm tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, dập tắt phong trào đấu tranh cách mạng, khủng bố những người yêu nước, đồng thời tăng thuế, vơ vét của cải, bắt phu, bắt lính để phục vụ cho chiến tranh ở chính quốc.

Đầu năm 1945, phong trào cách mạng trong nước dâng cao, tổ chức Mặt trận Việt Minh phát triển rộng khắp, tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia. Đêm 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Ngày 12/3/1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhằm phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Tình hình thế giới lúc này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới cách mạng nước ta. Cả nuớc dấy lên cao trào chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra mệnh lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật chính thức đầu hàng Liên Xô và đồng minh, chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Tại Đà Lạt, binh lính Nhật hoang mang, chán nản, một số công trình quân sự đang xây dựng phải bỏ dở. Tin về các địa phương trong nước như Quảng Nam, Nha Trang… khởi nghĩa giành thắng lợi đã tác động tới tinh thần khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lâm Đồng. Lúc này, tại Cầu Đất, tuy chưa có sự chỉ đạo của cấp trên nhưng đồng chí Trịnh Lý, đảng viên thuộc chi bộ Đảng tại Cầu Đất - Trạm Hành (còn gọi là chi bộ đường sắt) đã tập hợp một số công nhân, thanh niên bàn kế hoạch giành chính quyền. Ngày 21/8/1945, đồng chí Trịnh Lý đích thân vào đồn cảnh sát Cầu Đất thuyết phục, buộc tên đồn trưởng giao đồn, chính quyền đã về tay nhân dân.

Tại Đà Lạt, Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền được tổ chức, thống nhất chọn ngày 23/8/1945 làm ngày khởi nghĩa giành chính quyền. Kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương từ việc tổ chức đội ngũ, phổ biến kế hoạch, khẩu hiệu, mua sắm vũ khí…

Sáng ngày 23/8/1945, gần 10.000 dân ở các phường, ấp mang theo cờ, biểu ngữ kéo về tập trung tại khu vực chợ Đà Lạt. Các tầng lớp xã hội như công nhân, phụ lão, thanh niên, phụ nữ… tay cầm dao, kiếm, cuốc, lao, gậy. Các đội tự vệ mặc đồng phục được trang bị dao găm, mã tấu, lựu đạn. Từ trung tâm thị xã, đoàn biểu tình kéo đến bao vây dinh tỉnh trưởng Lâm Viên. Trước sức mạnh của quần chúng, tỉnh trưởng Ưng An hoảng sợ đã giao nộp giấy tờ, sổ sách cho nhân dân. Sau khi làm chủ dinh tỉnh trưởng, quân và dân Lâm Đồng tiếp tục bao vây và làm chủ các khu vực khác như nhà thông tin, nhà lao…
hoanghien Tim hieu cmtt 1945 1
Ngày 24/8/1945, nhân dân Đà Lạt biểu tình kéo đến dinh tổng đốc Lâm - Đồng - Bình - Ninh, hay còn gọi là dinh tổng đốc Lý (tức tổng đốc Trần Văn Lý - tổng đốc bốn tỉnh Tây Nguyên lúc bấy giờ: Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận, Ninh Thuận). Trước sức mạnh của nhân dân Đà Lạt, tổng đốc Trần Văn Lý hoảng sợ, nộp ấn tín cho đồng chí Phan Đức Huy - Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa. Những ngày tiếp theo, Uỷ ban Việt Minh tỉnh, các đoàn thể quần chúng như công nhân, thanh niên, phụ nữ và chính quyền cách mạng ở cơ sở được thành lập.
hoanghien Tim hieu cmtt 1945 2Từ ngày 14 - 28/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước giành thắng lợi. Ngày 02/9/1945, tại Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước nhân dân ta và thế giới rằng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra đời, chấm dứt sự thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và chế độ phong kiến mấy nghìn năm ở nước ta.

Tại Đà Lạt, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên làm lễ ra mắt đồng bào. Cùng với nhân dân cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Lạt thắng lợi là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Nhân dân Đà Lạt từ thân phận nô lệ trở thành người có quyền quyết định vận mệnh của mình. Nhìn lại giai đoạn 1930 - 1945, phong trào cách mạng ở Đà Lạt - Lâm Đồng đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn nhưng vô cùng anh dũng và rất đỗi tự hào, góp phần cùng cả nước tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc.

Đến với Bảo tàng Lâm Đồng, chiêm ngưỡng những hiện vật, hình ảnh, tư liệu trưng bày, người xem không khỏi bàng hoàng xúc động, cảm phục tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ đi trước đã sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của đất nước. Qua đó càng thêm tự hào về truyền thống dân tộc, trân trọng giá trị của cuộc sống thanh bình hôm nay, thôi thúc bản thân luôn nỗ lực sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của bao lớp cha anh./.

Hoàng Hiền